Top 8 Mũi vacxin tiêm phòng cần thiết cho trẻ dưới 1 tuổi

Vắc xin phòng cúm

Bệnh cúm là căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ tiến triển đến mức độ nghiêm trọng, dẫn tới bệnh nhân cần phải nhập viện và đôi khi có thể tử vong. Mỗi mùa cúm là khác nhau, và nhiễm cúm trên mỗi người sẽ có diễn biến khác nhau, nhưng mỗi năm có tới hàng triệu người mắc cúm, hàng trăm ngàn bệnh nhân phải nhập viện để điều trị, và có từ vài ngàn tới chục ngàn bệnh nhân tử vong có liên quan tới cúm. Sử dụng vắc – xin phòng cúm hàng năm là cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa căn bệnh này.

Sử dụng vắc – xin phòng cúm đã chứng minh được hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích, bao gồm làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, làm giảm tỷ lệ phải nhập viện và thậm chí làm giảm tỷ lệ tử vong liên quan tới cúm ở trẻ em. Vắc – xin phòng cúm kích thích cơ thể sinh đáp ứng miễn dịch, tạo ra các kháng thể, và đáp ứng miễn dịch đầy đủ sẽ thu được sau khi sử dụng khoảng 2 tuần. Các kháng thể được sinh ra sẽ giúp bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của loại virus đã được sử dụng để chế tạo vắc – xin.


Vắc – xin phòng cúm mùa được chế tạo để chống lại những loại virus cúm phổ biến nhất trong mùa cúm đó (dựa trên các kết quả nghiên cứu được thực hiện trước đó). Đa số các vắc – xin phòng cúm trên thị trường Hoa Kỳ thuộc loại vắc – xin tứ liên (quadrivalent vaccine), nghĩa là có thể chống lại bốn loại virus cúm khác nhau, bao gồm virus cúm A H1N1, virus cúm A H3N2 và 2 loại virus cúm B. Bên cạnh loại vắc – xin tứ liên còn có vắc – xin tam liên (trivalent vaccine), chống lại ba loại virus cúm bao gồm virus cúm A H1N1, virus cúm A H3N2 và một loại virus cúm B. 

Việc sử dụng vắc – xin phòng cúm hàng năm là điều vô cùng cần thiết, bởi virus cúm luôn luôn biến đổi, và đáp ứng miễn dịch của cơ thể sẽ giảm dần sau một năm. Để có được sự bảo vệ tốt nhất trước bệnh cúm, tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đừng quên sử dụng vắc – xin hàng năm.

Liều tiêm và lịch tiêm phòng vắc xin cúm ở trẻ em và người lớn cụ thể như sau:

  • Trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi: tiêm liều 0,25ml.
  • Người lớn và trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên: tiêm liều 0,5 ml.
  • Trẻ em dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm thì nên tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Và sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

Tiêm ngừa cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình một năm. Ngoài ra, các loại virus gây bệnh cúm cũng thay đổi hằng năm và thành phần vắc xin chủng ngừa cúm cũng thường xuyên được điều chỉnh để phù hợp các các chủng virus xuất hiện theo từng thời điểm.

Vắc xin Rotavirus

Virus Rota là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota có 4 tuýp: A, B, C, D trong đó tuýp A là tuýp hay gặp nhất. Virus Rota lây truyền qua đường miệng – hậu môn, khi vào đường tiêu hóa nó phá hủy tế bào thành ruột non và gây bệnh viêm dạ dày ruột. Sốt nhẹ, nôn mửa, tiêu chảy ra nhiều nước. Trẻ thường ủ bệnh trước 2 ngày, sau đó bắt đầu với biểu hiện nôn mửa và tiêu chảy trong khoảng 4-8 ngày. Mất nước, mất điện giải là nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ nếu không điều trị kịp thời.

Sự ra đời của vắc xin Rota virus là một biện pháp hiệu quả để phòng tránh viêm dạ dày ruột do rota virus. Miễn dịch do mắc phải hay do uống vắc xin Rota virus sẽ giúp cơ thể tạo miễn dịch suốt đời. Vẫn có tỷ lệ trẻ mắc bệnh sau khi có miễn dịch xong ở mức độ ít trầm trọng hơn.


Lịch tiêm chủng:

  • Vắc xin Rotarix (Bỉ): uống 2 liều; liều đầu tiên uống vào lúc 6 tuần tuổi và sau 4 tuần uống liều tiếp theo. Nên cho trẻ uống vắc xin Rota virus trước 24 tuần tuổi.
  • Vắc xin Rotateq (Mỹ): uống 3 liều; liều đầu tiên trong khoảng 7-12 tuần tuổi, hai liều còn lại cách nhau một tháng, liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần thứ 32.

Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Nhiễm bệnh do muỗi hút máu các chim hoang dã và gia súc chứa virus viêm màng não, sau đó đốt người và truyền virus sang người. Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân là sốt cao, đau đầu vùng trán, đau bụng, nôn ói,… Người bệnh viêm não Nhật Bản có hội chứng màng não và rối loạn ý thức nhẹ. Ở thời kỳ toàn phát, các dấu hiệu tổn thương não nặng hơn, người bệnh có biểu hiện cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ. Bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu và có nguy cơ tử vong. Nếu vượt qua thời kỳ toàn phát, bệnh nhân bước vào giai đoạn lui bệnh, các tổn thương khu trú thần kinh sẽ biểu hiện rõ rệt. Người bệnh có thể bị các di chứng như liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn vận động và xuất hiện các di chứng khác như mất ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần,…Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản là 25 – 30%. Ngoài ra, có 50% bệnh nhân có di chứng thần kinh kéo dài suốt đời. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng trẻ em dưới 15 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất và gặp các biến chứng nguy hiểm nhất.


Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và dễ gây ra nhiều di chứng về thần kinh. Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh tốt nhất. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản tiêm chủng mở rộng theo các chương trình của Bộ Y tế.


2 loại vắc-xin viêm não Nhật Bản là JEVAX được sản xuất bởi công ty TNHH MTV Vaccin và sinh phẩm số 1, Việt Nam và IMOJEV được sản xuất tại Thái Lan của công ty Sanofi( Pháp) phục vụ công tác tiêm phòng cho các khách hàng có nhu cầu.


  • Vắc-xin viêm não Nhật Bản JEVAX

Vắc-xin viêm não Nhật Bản JEVAX được sản xuất theo quy trình công nghệ của viện BIKEN – Trường Đại học Osaka, Nhật Bản tại công ty TNHH MTV Vaccin và sinh phẩm số 1, Việt Nam. Đây là loại vắc-xin được sử dụng để dự phòng đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Vắc-xin JEVAX là một dung dịch trong, không màu chứa: Virus viêm não Nhật Bản bất hoạt, tinh khiết

Lịch tiêm chủng:

  1. Mũi 1: Tiêm lần đầu ( lúc trẻ được 12 tháng tuổi trở đi).
  2. Mũi 2: Sau mũi 1 khoảng 1- 2 tuần.
  3. Mũi 3: Sau mũi 1 là một năm.
  4. Tái chủng: Sau 3 năm tiêm nhắc lại một liều để duy trì khả năng miễn dịch hoặc những người có thể trạng miễn dịch tốt thì tiêm nhắc lại trước khi có dịch viêm não xảy ra.

Vắc-xin viêm não Nhật Bản IMOJEV là vắc-xin tái tổ hợp sống, giảm độc lực dạng bào chế đông khô và dung môi được hoàn nguyên khi sử dụng, được chỉ định phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho người lớn và trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên. Vắc-xin IMOJEV được lưu hành và sử dụng tại Việt Nam kể từ năm 2019, với những tác động tích cực trong việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản. vắc-xin viêm não nhật bản Imojev của Pháp

Chỉ định: Imojev là vắc-xin được chỉ định phòng bệnh Viêm não Nhật Bản cho người lớn và trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên.

Lịch tiêm chủng

  1. Trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa tiêm vắc xin Jevax lần nào):
  2. Mũi 1: Là mũi tiêm đầu tiên.
  3. Mũi 2: Cách 1 năm sau mũi đầu tiên.

Vắc-xin 5 trong 1 hay vắc-xin 6 trong 1

Vắc-xin 5 trong 1 hay vắc-xin 6 trong 1 đều có mục đích để phòng các bệnh nguy hiểm, điểm khác nhau đó là số lượng bệnh và loại bệnh có thể phòng của mỗi loại vắc-xin.

Mục đích của việc tiêm vắc-xin tổng hợp là để ngăn ngừa 6 căn bệnh nguy hiểm hàng đầu ở trẻ em đó là: Bạch hầu. Ho gà. Uốn ván. Viêm gan B. Bại liệt. Viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib. Các căn bệnh này không chỉ dễ mắc ở trẻ nhỏ trong những tháng đầu đời, mà nó còn để lại những hậu quả vô cùng nặng nề về sau, tỷ lệ tử vong cao, hay những di chứng về vận động và tâm thần kinh. Kể từ khi các loại vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 được đưa vào sử dụng tiêm chủng cho trẻ em, đã làm giảm hàng trăm tới hàng nghìn lần số ca tử vong do các căn bệnh này gây ra.


  • Vắc-xin 5 trong 1 mới nhất ComBE Five: phòng ngừa các bệnh kể trên trừ bệnh bại liệt. Do đó khi tiêm cho trẻ loại vắc-xin này, cần cho trẻ uống thêm vắc-xin ngừa bại liệt.
  • Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim: giúp phòng ngừa các bệnh kể trên trừ bệnh viêm gan siêu vi B. Vì vậy, khi tiêm cho trẻ vắc-xin Pentaxim, cần tiêm thêm vắc-xin viêm gan B.
  • Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa: giúp trẻ phòng ngừa đầy đủ cả 6 căn bệnh nguy hiểm kể trên.
  • Vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim: cũng giúp trẻ phòng ngừa cả 6 căn bệnh trên.

Những điều cần biết về vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five

  1. Vắc-xin ComBE Five được sản xuất bởi công ty Biological E – Ấn Độ. Đây là loại vắc-xin mới, có thành phần tương tự như vắc-xin Quinvaxem, gồm có: giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, ho gà toàn tế bào, kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B và kháng nguyên vỏ vi khuẩn Hib (gây bệnh viêm màng não mủ hay viêm phổi).
  2. Cho đến nay đã có trên 400 triệu liều vắc-xin ComBE Five được sử dụng trên 43 nước trên thế giới. Còn tại Việt Nam, loại vắc-xin này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ tháng 05/2017 thay thế cho vắc-xin Quinvaxem trước đây. Vắc-xin ComBE Five chính thức được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em Việt Nam từ tháng 12/2018. Hiện nay, Việt Nam đang được Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc cung ứng loại vắc-xin ComBE Five. Trước khi đưa vào sử dụng, vắc-xin đã được kiểm định về tính an toàn và đạt các yêu cầu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, không có vắc-xin nào là an toàn tuyệt đối, các phản ứng sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five có thể gặp từ nhẹ, vừa cho đến nặng. Phản ứng có thể xảy ra ở toàn thân hoặc chỉ xảy ra tại vị trí tiêm.

Những điều cần biết về vắc-xin dịch vụ Pentaxim, Infanrix Hexa và Hexaxim

  • Ngoài vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc) thì tại một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có một loại vắc-xin 5 trong 1 khác đó là vắc-xin Pentaxim có nguồn gốc từ Pháp và hai loại vắc-xin 6 trong 1 là vắc-xin Infanrix Hexa có nguồn gốc từ Bỉ và vắc-xin Hexaxim có nguồn gốc từ Pháp. Cả 3 loại vắc-xin này không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mà được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ. 
  • Điểm khác biệt cơ bản giữa vắc-xin tiêm dịch vụ và vắc-xin tiêm miễn phí là ở thành phần ngừa bệnh ho gà. Trong khi vắc-xin ComBE Five của Ấn Độ có thành phần ngừa ho gà vắc-xin toàn tế bào, thì vắc-xin của Bỉ và Pháp là dạng vô bào. Vô bào có nghĩa là không có thành phần xác vi khuẩn ho gà trong vắc-xin, mà thay vào đó là thành phần kháng nguyên đặc thù, vì vậy sẽ tinh khiết hơn. Thực tế các loại vắc-xin dịch vụ được nhập khẩu từ châu Âu, có thành phần tinh chế, có tính an toàn gấp 10 lần loại vắc-xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chúng ta đang áp dụng. Từ đó làm giảm các tác dụng phụ không mong muốn sau khi tiêm.
  • Vắc-xin ComBE Five có chứa vi khuẩn ho gà đã chết được tinh lọc và các phản ứng thường do protein trong xác vi khuẩn đó gây ra, gồm có: sốt, sưng đỏ tại chỗ tiêm, thường tự khỏi sau 1 – 2 ngày, trường hợp nặng hơn có thể bị sốc phản vệ. Vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 ngoài chủng ngừa cùng lúc 5 loại bệnh quan trọng như vắc-xin 5 trong 1, còn ngừa thêm được bệnh thứ 6 đó là bệnh bại liệt. Điểm hơn đặc biệt của vắc-xin 6 trong 1 đó là thành phần ho gà trong vắc-xin là loại vô bào nên an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn loại vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào. Đồng thời vắc-xin 6 trong 1 giúp giảm số mũi tiêm cần thiết từ 9 mũi xuống còn 3 mũi, mà vẫn bảo vệ trẻ nhỏ tránh khỏi các loại bệnh có thể chủng ngừa được.

Lịch tiêm các loại vắc-xin

Tất cả các loại vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 đều cần tiêm 03 mũi cơ bản cách nhau tối thiểu 28 ngày, mũi đầu tiên tiêm khi trẻ được đủ 2 tháng tuổi. Sau đó trẻ cần được cho tiêm mũi thứ 4 nhắc lại lúc 18 tháng tuổi hoặc hơn 6 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 3. Tuy nhiên, lịch tiêm có thể dao động tùy theo tình hình thực tế, có thể chậm hơn một chút nếu như trẻ bị ốm, hết vắc-xin,… song cũng không nên để quá muộn, vì trẻ có nguy cơ mắc bệnh trước khi được tiêm đủ liều.

Đồng thời, vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 cũng không được tiêm sớm quá, cụ thể là trước khi trẻ đủ 2 tháng tuổi hoặc đi tiêm sớm hơn lịch hẹn của bác sĩ. Vì nếu làm như vậy, vắc-xin sẽ mất tác dụng và phải tiêm lại

Vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix

Vắc-xin phòng phế cầu Synflorix là một loại vắc-xin ngừa phế cầu khuẩn có chứa 10 typ kháng nguyên phổ biến nhất của vi khuẩn Streptococcus pneumoniae bao gồm 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F, 23F. Vắc-xin sẽ kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể sinh ra kháng thể chống lại các typ phế cầu trên nên khi phế cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ được kháng thể sinh ra do tiêm vắc-xin bảo vệ, không gây ra bệnh cho cơ thể.

Khi cơ thể tiếp xúc với các sinh vật ngoại lai, chẳng hạn như vi khuẩn và virus, hệ thống miễn dịch sẽ tạo kháng thể chống lại chúng. Các kháng thể giúp cơ thể nhận biết và tiêu diệt các sinh vật ngoại lai. Sau đó chúng vẫn còn tồn tại trong cơ thể để giúp bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng do chính sinh vật ngoại lai đó gây nên. Đây được gọi là miễn dịch chủ động. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể khác nhau cho mỗi sinh vật ngoại lai mà nó bắt gặp. Chính vì vậy, miễn dịch do vắc-xin là miễn dịch chủ động đặc hiệu, tiêm vắc-xin phòng bệnh gì thì cơ thể sẽ sinh kháng thể chống lại vi khuẩn, virus gây ra bệnh đó.


Synflorix có chứa 10 typ huyết thanh gây bệnh thường gặp của phế cầu. Vắc-xin sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại vi khuẩn phế cầu khi vi khuẩn thực sự xâm nhập vào cơ thể, nhờ đó bảo vệ được cơ thể không bị viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết do các typ phế cầu này gây ra. Vắc-xin Synflorix phòng phế cầu khuẩn được sử dụng cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi – 5 tuổi. Phác đồ tiêm phụ thuộc vào độ tuổi con bắt đầu tiêm mũi Synflorix đầu tiên. Tuy nhiên, tiêm vắc-xin càng sớm trong độ tuổi được khuyến cáo càng tốt vì nó sẽ giúp cơ thể trẻ sớm hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể khi phế cầu xâm nhập vào cơ thể. Vắc-xin Synflorix là vắc-xin tiêm bắp và vị trí thích hợp là mặt trước bên đùi của trẻ nhỏ hoặc cơ delta cánh tay ở trẻ lớn.


Lịch tiêm vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix

Đối với các trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi: Độ tuổi này có thể sử dụng 2 liệu trình tiêm chủng.

  • Liệu trình 3 + 1: Đây là liệu trình được khuyến cáo để đem lại hiệu quả tối ưu. Với liều thứ nhất có thể được bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi. Liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng. Và liều thứ ba cách liều thứ 2 tối thiểu 1 tháng. Liều nhắc lại được chỉ định cách liều thứ ba tối thiểu 6 tháng. Đối với các trẻ sinh non (ít nhất trên 27 tuần tuổi thai) có thể sử dụng liệu trình 3 + 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi.
  • Liệu trình 2 + 1: Dùng để thay thế liệu trình 3 + 1, liều thứ nhất có thể dùng cho trẻ được 6 tuần tuổi. Liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu 2 tháng. Và liều nhắc lại cách liều thứ hai tối thiểu 6 tháng.


Vắc-xin Synflorix
thường an toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể gặp một số phản ứng phụ thông thường sau tiêm. Các tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin Synflorix thường gặp như chán ăn, đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm; có thể chai cứng tại chỗ tiêm và sốt. Phản ứng phụ thường thoáng qua và sẽ hết sau 1-2 ngày. Đối với các biểu hiện rất hiếm gặp như quấy khóc bất thường, tiêu chảy, nôn, nổi ban, tụ máu tại chỗ tiêm, sốt cao ≥ 390 C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ hoặc các dấu hiệu khác (ban đỏ trên da, thở nhanh, khó thở, tím tái, bú kém, bỏ bú, co giật, li bì…) thì cha mẹ cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế gần nhất để kịp thời can thiệp.

Vắc xin BCG phòng bệnh lao

BCG (bacille Calmette-Guerin) được biết đến là một loại vắc-xin phòng ngừa bệnh lao (TB). Trong vắc-xin BCG có chứa một dạng vi khuẩn gây ra bệnh lao. Tuy nhiên vi khuẩn này đã được làm yếu đi vì vậy nó không có khả năng gây bệnh và có tác dụng bảo vệ, kháng bệnh TB.


Vắc-xin BCG thường được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nó đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với độ bảo vệ lên tới 70%. Đối với người lớn không mắc bệnh lao và chưa được chủng ngừa trước đây nhưng thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố phơi nhiễm cũng nên được chủng ngừa. Ngoài ra, BCG cũng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm loét Buruli và các khuẩn lao không điển hình khác. Tuy nhiên, loại vắc-xin ngừa lao này chỉ cần tiêm chủng ngừa một liều duy nhất mà không cần tiêm thêm các liều bổ sung.


Lịch tiêm chủng


  • Vắc xin BCG được chỉ định tiêm cho trẻ trong vòng 30 ngày sau khi sinh và càng sớm càng tốt.
  • Vắc xin BCG chỉ tiêm một liều duy nhất, không cần tiêm nhắc lại.

Tác dụng không mong muốn

  1. Phần lớn trẻ em đều có phản ứng tại vết tiêm, thông thường ngay sau khi tiêm BCG sẽ xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau khoảng 30 phút. Sau khoảng 2 tuần sẽ xuất hiện một vết loét đỏ có kích thước bằng đầu bút chì. Sau đó 2 tuần vết loét tự lành tạo nên một vết sẹo nhỏ có đường kính 5mm.
  2. Các phản ứng có thể gặp như áp xe, nổi hạch nách thường do sử dụng bơm tiêm không vô trùng, tiêm quá nhiều hay tiêm không đúng kỹ thuật.
  3. Các phản ứng nặng khi tiêm BCG thường rất ít gặp, chỉ có 1/1.000.000 người bị nhiễm lao sau khi tiêm BCG, hay xảy ra ở những trường hợp nhiễm HIV hoặc suy giảm miễn dịch mắc phải.

Vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella

Vắc-xin phòng Sởi – Quai bị – Rubella có thể tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi, quai bị và rubella với khả năng phòng bệnh cao lên đến 95% và số mũi tiêm ít.

  • Bệnh sởi: Bệnh sởi do virus sởi gây ra, bệnh lây lan qua đường hô hấp, nước mũi, nước bọt của người mang mầm bệnh, đặc biệt với người chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh sởi nguy hiểm vì có thể gây viêm tai giữa , viêm thanh quản, viêm phế quản – phổi, viêm màng não, …Khi phát bệnh, người bệnh sẽ bị sốt, phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan ra toàn thân, có thể kèm theo chảy mũi, ho và đỏ mắt, chảy nước mắt.
  • Bệnh quai bị: Bệnh do virus quai bị gây ra, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, có thể tạo thành dịch trong cộng đồng. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của bệnh quai bị là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ, kèm theo sốt, sưng và đau hạch góc hàm. Biến chứng đáng lo của bệnh gây ra là khiến 20 – 35% nam giới sau tuổi dậy thì mắc quai bị bị viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn – nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì dễ gây vô sinh ở nam giới.
  • Bệnh rubella: Bệnh do virus rubella gây ra, bệnh có những biểu hiện giống như bệnh sởi nhưng thường nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, bệnh đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây dị tật nặng nề cho thai nhi như đục thủy tinh thể, điếc, khuyết tật tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ.., thậm chí có thể khiến thai nhi ngừng phát triển.

Sởi, quai bị và Rubella đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua đường hô hấp, nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nặng nề, đặc biệt với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai, do vậy, mọi người cần có phương pháp để phòng bệnh hữu hiệu.

Hiện có nhiều loại vắc-xin để phòng bệnh sởi, bệnh quai bị và rubella, trong đó vắc-xin kết hợp (vắc-xin 3 trong 1) Sởi – Quai bị – Rubella được nhiều người tin tưởng lựa chọn vì giúp giảm số lần tiêm xuống chỉ còn 1 lần. Vắc-xin Sởi – Quai bị – Rubella được điều chế từ vi rút sởi chủng Edmonston–Zagreb, vi rút quai bị chủng L-Zagreb (L-Z) và vi rút rubella chủng Wistar RA 27/3 sống, giảm độc lực. Vi rút sởi và rubella được nuôi cấy trên tế bào lưỡng bội người (HDC), vi rút quai bị được nuôi cấy trên nguyên bào sợi từ trứng gà sạch SPF. Vắc-xin được đông khô và có nước hồi chỉnh kèm theo. Vắc-xin đạt được các tiêu chuẩn của WHO khi kiểm tra bằng các phương pháp theo hướng dẫn trong tạp chí WHO TRS 840 (1994).


Vắc-xin Sởi – Quai bị – Rubella tiêm khi nào?

Vắc-xin Sởi – Quai bị – Rubella tiêm khi nào là câu hỏi nhiều người quan tâm. Theo đó, phác đồ tiêm vắc-xin sởi – quai bị – rubella để phòng bệnh sởi, quai bị, rubella có sự khác nhau giữa các độ tuổi. Cụ thể như sau:

Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 7 tuổi:

  1. Mũi 1 là lần tiêm đầu tiên.
  2. Mũi 2 khi trẻ 4 – 6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra. Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.

Vắc xin phòng thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ mang thai. Biến chứng của bệnh có thể gây viêm da do bội nhiễm vi khuẩn, nốt thủy đậu có mưng mủ, sau khi khỏi có thể để lại sẹo, rất khó hồi phục. Trong trường hợp người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng thì những nốt thủy đậu có thể gây hoại tử vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể gây viêm tai (tai ngoài, tai giữa), viêm thanh quản, viêm phổi, viêm thận cấp (tiểu ra máu), trong trường hợp nặng có thể gây nên viêm não – màng não hết sức nguy hiểm, người bệnh có thể tử vong nếu để muộn và cấp cứu không kịp thời. Đối với thai phụ trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ và sắp sinh, thủy đậu khi mang thai có thể từ mẹ truyền sang cho thai nhi, làm bé có nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh, tạo nên những vết sẹo dưới da, đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, chậm phát triển, nhẹ cân, chi ngắn.

Trẻ em và phụ nữ khi mang thai là những đối tượng có hệ thống miễn dịch hoạt động kém hơn bình thường nên nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên. Ngoài ra, ở phụ nữ mang thai và trẻ em dễ gặp các biến chứng nguy hiểm, có thể tử vong vì vậy tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ cũng như phụ nữ có thai phòng là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em và phụ nữ khi mang thai.

Vắc-xin ngừa thủy đậu sẽ phát huy tối đa tác dụng khi được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng mắc phải căn bệnh này. Lịch tiêm thủy đậu dành cho từng đối tượng cụ thể như sau:

  • Đối với trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: Tiến hành tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa thủy đậu cách nhau ít nhất 3 tháng.
  • Riêng với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi thì lịch tiêm thủy đậu được khuyến cáo gồm: Mũi 1 thực hiện lúc 12 tháng tuổi và mũi 2 thực hiện lúc 4 – 6 tuổi.
  • Đối với trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Thực hiện tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa thủy đậu, trong đó mũi 2 sẽ cách mũi 1 từ 4 – 8 tuần.

About trieunguyen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *